Bách Khoa Toàn Vắt - Phòng chống vắt khi đi rừng

05/05/2024
|

Rất nhiều người khi nói tới rừng là nghĩ ngay đến con vắt. Vắt thường ẩn núp trong các hốc đá, dưới lá cây, dòng suối... Khi người hoặc các loại động vật đi qua, vắt búng nhảy và bám vào để hút máu. Vết hút máu trên da thường không đau nhưng gây chảy máu kéo dài, sau khi ngưng chẩy máu vết cắn của vắt vẫn có thể gây ngứa rất lâu. Vắt không chỉ gây ra ám ảnh không hề nhỏ với những tâm hồn mong manh khi vào rừng mà cũng có thể khá nguy hiểm nhất là khi chúng chui vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa... của con người.

Nào, chúng ta sẽ cùng nhau xem vắt là con gì và phòng chống vắt như thế nào.

Con vắt là con gì?

Vắt (Heamadipsa) là con vật nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng hơn 100mg, dài cỡ 3-5cm, có giác bám ở đầu và đuôi. Cấu tạo của cơ thể vắt khá hoàn chỉnh, với miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn. Chúng di chuyển bằng cách “co đi, co lại” thân mình với 33 đốt sống. Lúc nghỉ ngơi, vắt co lại, dài cỡ 2-3 cm. Tới khi di chuyển, cơ thể chúng lại dài gấp đôi. Vắt thuộc bộ đỉa (Hirudinae) nhưng sống trên cạn.

Vắt có 5 chi gồm khoảng 15 loài phân bố ở nhiều nơi khác nhau trong những khu vực ẩm ướt vùng nhiệt đới thuộc châu Á, Đông Nam Á, châu Phi, Nam Mỹ... Ở Việt Nam, có bốn loài vắt:

  • Vắt đen - còn gọi là vắt đất: Hoạt động dưới đất, dưới những lớp lá mục. Loài này thường chỉ bám từ đầu gối trở xuống.
  • Vắt xanh - còn gọi là vắt lá: Hoạt động trên những phiến lá, di chuyển và tiếp cận bằng cách búng nhảy vào con mồi. Loài này thường tấn công từ đầu gối trở lên
  • Vắt đen nhám: Loài này thường thấy ở khu vực miền Trung, nhiều nhất ở khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã. Loài này có vết cắt hình phi tiêu ba nhánh, khoan rất sâu và gây ngứa lâu.
  • Vắt vàng: Loài này có màu da ngả vàng và có những chấm đen dọc thân hình của mình. Loài này phổ biến ở khu vực Tây Nguyên

Vắt không chịu được lạnh. Chúng chỉ thích hợp ở nhiệt độ 24-28oC. Đem dìm vắt vào môi trường có nhiệt độ dưới 100oC, vắt chết ngay. Còn khi nhiệt độ môi trường ở mức 34-35oC, vắt phản ứng dữ dội. 

Mỗi lần hút máu, vắt có thể hút một lượng máu lớn gấp tám đến mười lần trọng lượng cơ thể chúng. Một con vắt có trọng lượng khoảng 100mg có thể hút tới… 1000mg máu. Điều kỳ lạ là mỗi khi “ăn” xong, chúng để “thức ăn” được tiêu hóa dần trong cơ thể thậm chí trong nhiều tháng nhưng cơ thể vẫn phát triển bình thường. Tương tự như đỉa, máu không bị đông trong dạ dày vắt do một chất chống đông có trong cơ thể của chúng, gọi là chất Hirudin.

Tại miền bắc Việt Nam vắt thường xuất hiện vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10 ở các khu rừng từ độ cao 1800m trở xuống. Khi thời tiết bước sang mùa đông lạnh hoặc ở những nơi có độ cao lớn hơn 1800m vắt thường không xuất hiện.

Phòng vắt như thế nào?

Trang phục khi đi trong rừng:

Mặc quần áo dài và ôm sát người, mang tất cao cổ (kiểu như tất đá bóng) và cho ống quần vào trong tất. Sử dụng xà cạp chống vắt hoặc băng dính để che phủ phần tiếp điểm giữa tất và ống quần lại.

Có thể dùng gệt chuyên cho chạy trail và đi tất bọc bên ngoài cũng sẽ chống vắt tốt.

Thường thì vắt chỉ tấn công từ thắt lưng trở xuống nên tay ít khi bị vắt bám, tuy nhiên vẫn nên dùng tất tay bó và găng tay để hạn chế tối đa sự tấn công của vắt

*Kinh nghiệm từ kiểm lâm Pù Mát: khi vào rừng mà không có sự chuẩn bị trang phục phù hợp để chống vắt thì nên xắn quần lên đến đầu gối hoặc qua đầu gối để hở một khoảng chân cho dễ phát hiện vắt đã bám vào da. Nếu để quần buông xuống thì không phát hiện được vắt cho đến khi chúng hút no máu.

Sử dụng thuốc và các chất chống vắt:

Vắt sợ các chất đắng và mặn vì thế nhiều nơi dùng muối để đuổi vắt. Người đi rừng có thể dùng muối bôi lên giày dép, quần áo khi vào rừng. Hoặc khi bị vắt bám thì dí muối vào con vắt nó sẽ nhả ra rất nhanh.

Các chất có thể sử dụng để bôi lên giầy dép, quần áo để đuổi vắt là: xà phòng tắm, muối, dấm, dầu khuynh diệp, các loại thuốc DEP và thuốc chống côn trùng có hạt chất DEET. Hoạt chất DEET chống vắt rất hiệu quả và được sử dụng làm thành phần chính trong nhiều loại thuốc chống văt. Nếu bạn thấy thành phần DEET trong thuốc khoảng từ 13-30% là ổn.

Tại điểm cắm trại có thể sử dựng vôi bột hoặc muối để rải trên nền đất nhằm đuổi và và ngăn cản vắt xâm phạm khu vực cắm trại. Tại VQG Cúc Phương một số tuyến trek ngắn Umove Adventure đang khai thác được rải vôi bột định kỳ dọc tuyến để hạn chế vắt.

* Rất nhiều người phàn nàn là đã sử dụng một số thuốc chống vắt (DEP, Soffell, kể cả DEET vv..) nhưng không hiệu quả. UA cho rằng đó là do các bạn đã sử dụng thuốc chưa đúng cách. Quả thực là vắt đeo bám dai và có thể tìm đường vượt qua ‘hàng rào thuốc’. Tuy nhiên để chống vắt hiệu quả, các bạn cần lưu ý một số kỹ thuật sau:

• Bôi thuốc chống vắt bên trong: cả bàn chân cho đến gối (khi thời tiết khô), thậm chí cả phần đùi cho đến hông (khi có mưa), tai, cổ và vai, cánh tay, nách;

• Bôi thuốc chống vắt bên ngoài: các khe buộc giây, cổ giày, tất, phần ống quần, vai áo, mũ. Bên ngoài bạn nên dùng dạng chai xịt cho dễ thao tác. Các tour trekking của UA luôn có thuốc DEP ở dạng chai xịt để xịt lên giầy, tất và quần áo của khách.

• Cho ống quần vào trong tất. Bạn nên sử dụng loại quần vải 100% nylon mỏng, ít thấm, mau khô thì tôt hơn. Sau đó xịt hoặc bôi chất chống vắt lên toàn bộ giầy, tất, quần.

Nếu bị vắt cắn, hãy xử lý nhanh vết thương theo những bước sau đây:

Bước 1: Cẩn thận bắt con vắt đang hút máu ra khỏi cơ thể. Lưu ý kiểm tra lại xem còn con vắt nào bám trên người nữa không để loại bỏ chúng hoàn toàn. Nếu vắt bám quá chặt, bạn có thể lấy muối bôi xung quanh vết cắn hoặc dùng lửa, chúng sẽ lập tức nhả ra ngay. Hoặc lấy những vật có cạnh mỏng như giấy, thẻ, hoặc dao nhỏ để gẩy chúng ra.

Bước 2: Dùng nước muối sát khuẩn để rửa thật sạch vùng da đang chảy máu. Để ngăn máu chảy, bạn hãy dùng tay ấn chặt vào miệng vết thương, sau đó lấy băng gạc y tế băng vết thương lại. Sau mỗi 15-20 phút lại thay băng đến khi vết thương đã đông máu.

Bước 3: Dùng thuốc bôi Remos IB hoặc Lucas’ Papaw hoặc những loại thuốc bôi côn trùng cắn để giảm ngứa.

Các lưu ý khác về phòng chống vắt

  • Không dừng hoặc ngồi lại ở một chỗ quá lâu. Chọn chỗ ngồi là hòn đá, cành cây ở cao và thoáng đãng.
  • Không đi vệ sinh ở những nơi rậm rạp có nhiều cây và lá cây mục ẩm ướt.
  • Luôn chuẩn bị và mang theo những dụng cụ y tế như băng gạc, bông, thuốc khử trùng, nước muối,… để xử lý kịp thời trong trường hợp bị vắt cắn.  
  • Khi cắm trại trong rừng nên thực hiện các bước sau: quét hết lá mục, rắc muối hoặc vôi bột lên mặt đất của điểm cắm trại và xung quanh lều.
  • Cửa lều luôn đóng kín lớp lưới chống côn trùng. Nên chọn loại lều có lớp lưới mắt mau (lỗ lưới nhỏ) để chống vắt bò vào. Xịt chất chống vắt vào cửa lều, khóa lều và quanh chân lều.

Vắt không chỉ là một sinh vật gây "ám ảnh" mà còn là một tiềm năng chưa được khai phá

Thuộc họ Đỉa nên vắt có những điểm giống đỉa. Cơ thể chúng có chứa nhiều chất quý giá có thể dùng làm thuốc. Đó là chất Orgelase hyaluronidase, một chất kháng sinh mạnh có ở phần trước của đỉa và vắt, gây phân giải chất nhờn. Một loài vi khuẩn có tên là Aeromonas hydrophila sống ký sinh trong ruột đỉa, vắt cũng tiết ra một chất kháng sinh mạnh, điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh nhiễm trùng như uốn ván, viêm màng não.

Ngoài ra, trong cơ thể đỉa, vắt còn có chất Hemetin có công dụng cao trong điều trị các chứng bệnh nghẽn mạch máu. Đặc biệt, hai chất antistasin và ghilatin trong đỉa, vắt có khả năng ngăn chặn sự hình thành di căn của các khối u trong các chứng bệnh ung thư. Theo thạc sĩ Phan Kim Ngọc, các loài vắt ở Đông Nam Á tới nay vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Chỉ có hai nhà khoa học của Tiệp Khắc (cũ) có thu được một số mẫu vật sống ở rừng Cát Tiên vào năm 1989, nhưng chúng đều thuộc nhóm dưới nước. Trong khi đó, vắt thuộc nhóm sống trên cạn! Trong thực tế, vào năm 1987, ở Anh có một trại chuyên nuôi đỉa với sức cung cấp mỗi năm khoảng 80.000 con để phục vụ cho y học và các nghiên cứu khoa học. Do đó, việc nghiên cứu đỉa, vắt không chỉ thuần túy là nghiên cứu khoa học mà còn có tiềm năng ứng dụng lớn vào cuộc sống, kể cả mang lại hiệu quả kinh tế.

Umove Adventure

Tour liên quan